Minh Lan Truyện - Chương 229: Lời cuối sách
ời cuối sách
“Hồng Phai Xanh Thắm” bắt đầu từ 29/11/2010, kết thúc ngày 3/12/2012, kéo dài 2 năm 2 ngày, trải qua nhiều cay đắng ngọt bùi, có vui sướng cũng có chán nản, có lúc bị khen ngợi ngút trời, làm tôi cứ ngỡ bản thân tài hoa cái thế, PK Rowling thừa sức, cũng có lúc bị phỉ nhổ đến mức lôi cả nhân phẩm người thân ra mà chửi.
Cảm giác khi viết bộ này thật khó mà nói hết trong một lời.
Vẫn nhớ cuộc chiến nam chính, độc giả tranh cãi ỏm tỏi, vì thế tôi không dám hé lộ rõ ai là nam chính, vì đã chuẩn bị tâm lý trước cho nên khi Cố Đình Diệp chính thức lên sàn, tôi cảm thấy chửi mắng và kêu rên có vẻ cũng không đến mức ghê gớm, cảm ơn mọi người chấp nhận, cảm ơn những bạn đứng nhầm đội vẫn ủng hộ truyện đến thế.
(Còn có độc giả giận dữ trách cứ tác giả vô lương, úp mở, nhử, thủ đoạn vụng về buồn nôn, v.v…, em gái ơi, úp mở và nhử độc giả là khuôn mẫu chung trong tiểu thuyết mà.)
Hai nhân vật tốt thí là Hạ Hoàng Văn và Tề Hành đều có bất đắc dĩ riêng biệt.
Bi kịch của Hạ Hoằng Văn nằm ở chỗ hắn có một bà mẹ làm quả phụ từ trẻ, tính cách lại còn mềm yếu không mấy trợ giúp, là một người con trai trưởng thành sớm, tình cảm hắn dành cho mẹ không chỉ là hiếu thảo mà còn có một chút áy náy và bồi thưởng, vì vậy khi hắn biết mẹ dung túng cho nhà họ Tào là không đúng, biết hành vi của mẹ sẽ làm tổn thương tới hắn và nhà họ Hạ, hắn vẫn giữ thái độ thoả hiệp.
Thực ra, dù hắn có lấy Minh Lan hay không cũng không nên làm cho nhà họ Tào nhúng tay vào cuộc sống tươi đẹp của hắn. Phạm nguyên tắc sai lầm, vậy cuộc đời sau đó của hắn tất nhiên phải trả giá.
Trái ngược với Hạ Hoằng Văn có một bà mẹ kéo chân sau sai lầm về suy nghĩ, bi kịch của Tề Hành lại nằm ở chỗ hắn có một bà mẹ suy nghĩ tuyệt đối chính xác. Bình Ninh quận chúa nhận thức rõ chỗ thiếu hụt của con trai và tiến hành bổ cứu đúng đắn, đánh giá khách quan thì, kế hoạch bà ấy tạo ra cho tương lai con trai có thể nói là chính xác đến mức hoàn mỹ.
Tề Hành có ba vợ, dù cô đâu là Gia Thành huyện chủ phải nhận cặp lồng cơm hết vai rất sớm, nhưng vì chính trị xảy ra biến đổi, bằng không thì sẽ là trợ lực rất lớn. Cô vợ Thân thị thứ hai thành công làm bậc thang lót đường giúp cha con Tề Hành tại triều chính, khiến nhà họ Tề từ một gia tộc quyền quý lâu năm nhanh chóng biến hình thành trung thần có khả năng của hoàng đế mới. Cô vợ thứ ba cùng với Khánh Ninh Đại trưởng công chúa cực có thế lực giúp Tề Hành mở rộng quan hệ trong hoàng tộc, vì thế đánh bị phòng thứ nhất của phủ Tề đồng dạng cũng rất có máu mặt, thành công kế thừa tước vị.
Sự bất đắc dĩ của Tề Hành nằm ở chỗ, e rằng chính hắn cũng không thể phủ nhận tính toán chính xác của mẹ mình.
Là một con em nhà công hầu tiếp nhận giáo dục chính thống, một cậu con trai được cha mẹ ân cần dạy bảo từ tấm bé, làm rạng rỡ gia tộc, biểu dương hiển hách gần như là nguyên tắc bản năng của Tề Hành.
So sánh hai bên, bi kịch của Tề Hành càng làm mọi người đau buồn.
Hạ Hoằng Văn sai lầm ở tính cách, nếu hắn có thể cương nghị quả quyết bằng một nửa Thịnh Trường Bách, mạnh tay với mẹ và em họ, như vậy dù hắn không thể cưới Minh Lan thì cũng có thể có một cuộc sống tương lai hoà thuận, chứ không phải bị nhà họ Tào và bà mẹ quả phụ ngày ngày giày vò, đánh mất nhiệt tình và niềm vui đối với cuộc sống.
Bi kịch của hắn có thể tránh được.
Nhưng bi kịch của Tề Hành là vĩnh hằng, là lựa chọn lưỡng nan của một chàng trai khi đối mặt với tiền đồ và tình yêu. Chọn tình yêu thì nhiều năm sau khó mà nói không nảy sinh hối hận, không khéo giai ngẫu lại biến thành oán lữ, chọn tiền đồ thì cả đời sẽ thất vọng, tiếc nuối day dứt.
Vấn đề này gần như không có lời giải đáp. Lục thiếu và Tĩnh Uyển ngược tôi, giày vò tôi chết đi sống lại rơi lệ thành sông, suy cho cùng chính là vì câu hỏi này.
Minh Lan từ chối lựa chọn kiểu này, từ chối bắt Hạ Hoằng Văn phải lựa chọn giữa nàng và mẹ, em họ hắn, cũng từ chối bắt Tề Hành phải lựa chọn giữa nàng và tiền đồ của hắn, không thể nói tuyệt đối rằng từ chối như thế là đúng hay sai, chỉ có thể nói mỗi người một ý.
Tề Hành day dứt đau buồn cả đời, một nửa dĩ nhiên là hoài niệm cô gái khiến mình động lòng duy nhất trong cõi đời này, một nửa là hoài niệm tình cảm tốt đẹp của mình thời thời thanh xuân, cảm giác đơn thuần đó vĩnh viễn không thể bù đắp được.
Người không thể thập toàn, trăng có tròn có khuyết, thế thôi.
Rất nhiều độc giả phê phán nam chính, lý lẽ vô vàn, kỳ thực phân tích tỉ mỉ ra thì cuộc đời của Cố Đình Diệp và Minh Lan khá có tính thống nhất.
Minh Lan sống hai đời, thái độ đối với con người và sự việc có sự bi quan và tang thương nhất định, cho nên nàng mới từ chối ảo tưởng của Tề Hành, lựa chọn con đường suôn sẻ hơn là Hạ Hoằng Văn. Còn Cố Đình Diệp, thực ra hắn cũng coi như sống hai đời.
Cuộc đời hắn có thể chia rõ thành hai giai đoạn, trước khi rời phủ Hầu và sau khi rời phủ Hầu.
Trước khi rời phủ Hầu hắn là công tử kim tôn ngọc quý, ra vào kẻ hô người ủng hộ, cơm áo không cần lo, nhưng kỳ thực trong lòng tràn ngập hận thù, ân oán giữa hắn và nhà họ Cố rắc rối khó gỡ, muốn giải trừ cũng khó.
Sau khi rời phủ ầu, dù hắn từ ăn ngon mặc đẹp rơi xuống cảnh phải vất vả sinh tồn, nhưng có thể đặt hết gánh nặng tinh thần và khúc mắc trong lòng xuống, sống một cuộc sống hoàn toàn mới, kết bạn, ra sức phấn đấu, bắt đầu lại từ đầu.
Trong quá trình này, hắn cuối cùng trở nên chín chắn, biết nhìn nhận cha già bằng thái độ thấu hiểu hơn, đối diện với quá khứ, dù hắn chưa chắc đã thông cảm, nhưng dần dần hiểu ra.
Phủ Ninh Viễn hầu không có hắn, có lẽ sẽ bị tịch thu gia sản, đoạt tước khi triều chính thay đổi. Còn hắn không có phủ Ninh Viễn hầu nẫn có thể tự lập, quyết định vận mệnh cuộc đời chính mình.
Quá trình này là tích cực chính diện, làm cho hắn trở nên giỏi giang mạnh mẽ, nhạy bén quan sát, tính toán chuẩn xác, cuối cùng làm hắn có thể càng tự chủ quyết định hôn nhân hơn Tề Hành, lại giải quyết trở ngại gọn gàng dứt khoát hơn Hạ Hoằng Văn, không lắm do dự chần chừ như thế. Nhưng, cũng có khuyết điểm.
Thử nghĩ một người đàn ông nếm trải đau khổ chua xót, thành công tắm lửa sống lại làm sao có thể ngây thơ tới mức dốc ruột gan cho người khác xem, yêu như thằng nhãi chưa mọc lông thời thanh xụân chứ.
Trải qua cực khổ và phản bội, sau đó chậm rãi vùng vẫy bò lên, loại đàn ông này về bản chất khó có thể lại yêu thương và tin tưởng ai đó một cách vô điều kiện, đây cũng chính là điểm mà vô số độc giả phê phán nam chính.
Cho nên ngay từ đầu tôi đã nói rồi, tôi không muốn viết nam chính điển hình tà mị kiểu “sắc bén lạnh lùng với tất cả mọi người, riêng với nữ chính là tình sâu ý nặng”, đối với nam chính có cuộc đời từng trải, yêu nhau cần tới thời gian và quá trình, cần sự cảm động và giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn, loại tình yêu cuồng nhiệt không thuộc về hắn.
Cảm ơn độc giả thấu hiểu với tôi, cũng cảm ơn những độc giả không thể thấu hiểu tôi.
Cuối cùng nói tới Man Nương, nhân vật này cũng được mọi người nhiệt liệt thảo luận, có tán thành, cũng có chê trách.
Tôi nói thẳng nhé, linh cảm xây dựng nhân vật này đến từ hai nhân vật trong văn học, một là Trình Điệp Y trong “Kịch như nhân sinh”, một là Tập Nhân “uổng cho tự hiền lành nhũn nhặn, không mây như quế như lan”.
Tôi xem “Bá Vương Biệt Cơ” từ khi còn rất nhỏ nhưng liền bị Trương Quốc Vinh trong vai Trình Điệp Y gây chấn động, thật quái lạ, tôi đọc “Jan Eyre” còn chẳng hiểu tình yêu trong đó, thế mà lại hiểu được “vai diễn” của Trình Điệp Y.
Khi một người trút hết tình cảm, nhiệt huyết, tài hoa, thời gian, thậm chí cả tư tưởng vào một việc, kết quả tất nhiên là dẫn đến cuồng nhiệt điên cuồng, dời non lấp biểm, không chết không về.
Trình Điệp Y thực ra không yêu Đoạn Tiểu Lâu, mà là yêu Tây Sở Bá Vương “khí thế vượt sơn hà” trong vở diễn.
Man Nương yêu cũng chẳng phải Cố Đình Diệp, mà là giấc mộng từ thuở nhỏ, một khi nàng trút hét lý tưởng nhiệt huyết của cuộc đời, bất cứ công tử nào có thể thoả mãn nguyện vọng tôn quý đều có thể trở thành nam chính của cô ta.
Kịch như đời, đời như kịch.
Khác biệt ở chỗ, Trình Điệp Y chỉ tổn thương chính mình, còn Man Nương chẳng những tổn thương bản thân, còn làm tổn thương người khác, kể cả người vô tội, thậm chí chính thân nhân của cô ta.
Nói tiếp đến Tập Nhân.
Cụ Tào tả người theo lối vẽ tranh thủy mặc, sử dụng đủ loại kỹ xảo miêu tả tinh tế từng lời nói hành động của họ, nhưng không phán xét hay giải thích rõ ràng. Đơn giản hơn là “kẻ này làm chuyện gì, nói câu gì, ta viết hết rồi đấy, kẻ này tốt hay xấu, khán giả tự đi mà cảm nhận”.
Kết quả chính là, trong mắt một ngàn độc giả thì sẽ có một ngàn Vương Hi Phượng, Giả Bảo Ngọc, em Lâm, Tiết Bảo Thoa…
Tập Nhân đương nhiên là cô gái tốt, đối xử với mọi người dịu dàng hiền lành, tận tâm tận sức với chủ nhân, làm việc chu đáo thoả đáng. Nhưng mà, nàng có được tính là một đứa hầu tốt thật sự hay không? Ở mặt này có một vấn đề “thống nhất về mặt lợi ích”.
Tử Quyên gần như được công nhận là đứa hầu tốt nhất trong Hầu Lâu Mộng, đối xử chân thành với em Lâm, vừa có thể khuyên nhủ, vừa tình như chị em, nhưng bản chất lợi ích của cô ta và em Lâm cơ bản thống nhất, cho nên nó tốt là đương nhiên.
Nhưng khi lợi ích chủ tớ không thống nhất thì sao? Tập Nhân gặp phải vấn đề bi thảm nàyy.
Trước không bàn tới trong sự kiện Tinh Văn, Tập Nhân bị đuổi thật sự có đáng hay không, vấn đề này mỗi người một ý, nhưng còn vấn đề Tiết-Lâm thì thế nào? Bảo Ngọc thích em Lâm, Tập Nhân hiểu rõ, thế nhưng cô ta không hề do dự mà nói cho Tiết Bảo Thoa nghe.
Tập Nhân đương nhiên sẽ ngụy biện kiểu “cô Lâm không phải vợ hiền, cô Bảo mới thật sự có ích cho cậu Hai Bảo”…, nhưng chân tướng sự thật chính là, cô ta muốn làm vợ bé, vậy nên bà vợ cả phải là người dễ chung sống.
So với em Lâm hay hờn dỗi, chị Bảo hết lòng kết giao với Tập Nhân, so với em Lâm u sầu khó đối phó, chị Bảo nhã nhặn rộng lượng, đó chính là lý do quyết định thái độ của Tập Nhân, sau đó thái độ chuyển hoá thành hành động vô ý hoặc hữu ý, thậm chí còn biểu hiện trước mặt Vương phu nhân.
Không thể nói Tập Nhân sai, chỉ có điều đây gọi là “lòng chân thành” của cô ta đối với Bảo Ngọc ư? Tình yêu của Bảo Ngọc, tấm lòng của Bảo Ngọc, đối với Tập Nhân mà nói tuyệt đối không quan trọng bằng chính cô ta.
Man Nương cũng như thế.
Cô ta luôn mồm yêu Cố Đình Diệp, yêu đến độ đòi sống đòi chết, nhưng với sự thông minh của cô ta, chẳng lẽ không phát hiện ra Cố Đình Diệp thật sự mong muốn được cha già công nhận, dựa theo kỳ vọng của cha già mà sống một cuộc sống được mọi người công nhận, có người vợ môn đăng hộ đối dịu dàng hiểu biết, có con cái hợp pháp?
Man Nương đương nhiên biết, nhưng việc này không phù hợp với lợi ích của cô ta. Lợi ích của cô ta là nhất, nguyện vọng và nỗi khổ của Cố Đình Diệp là gì chứ?
Đương nhiên, Man Nương cũng sẽ tự ngụy biện giống Tập Nhân rằng, “Nhị Lang ở nhà đó chỉ có ấm ức, tôi đang vì chàng, chỉ có rời khỏi phủ Cố sống bên nhau mới là con đường tốt nhất của Nhị Lang, ở bên tôi, tương lai chàng nhất định sung sướng.”
Đáng tiếc, Man Nương quên hỏi Cố Đình Diệp có yêu cô ta không, có sẵn sàng “sống bên nhau” không.
Lưu Ly phu nhân và Cao đại học sỹ có tình yêu chân thành với nhau, thật sự là mối tình vượt lên cái nhìn của thế tục, oanh liệt, chết đi sống lại, bọn họ cũng từng thoả hiệp với hiện thực, nhưng bởi vì có tình yêu mãnh liệt không thể dừng lại làm thúc đẩy, bất kể thời gian và không gian đều không thể ngăn cản, bọn họ cuối cùng mới có thể bỏ qua tất thảy mà ở bên nhau.
Man Nương nỗ lực cả đời, chịu trả giá vô số, sắp xếp một vở kịch đầy kiêu hãnh, cân nhắc suy xét từng chi tiết, chuẩn bị từng đoạn từng cảnh kỹ càng. Đáng tiếc, nam chính từ chối biểu diễn.
Truyện này bộ khung còn thiếu sót khá nhiều, miêu tả nhân vật cũng có nhiều chỗ tôi chưa hài lòng lắm, bởi vì viết quá dài nên nhiều chi tiết sai sót, hy vọng sau này sẽ cải thiện ở một bộ mới (chưa chắc đâu nhé).
Thật sự, thật sự hết sức cảm ơn độc giả đã đi cùng với tôi, thông cảm cho sự tự do và vô lý của tôi, nghĩ kỹ thì, nếu như tôi là độc giả cũng sẽ tức giận bản thân rất nhiều, hy vọng tôi và mọi người sau này đều có thể gặp được tác giả đáng tin cậy hơn nhiều.
Được rồi, có thể về tổ bàn tán với chiến hữu rồi, tôi nghĩ tôi vắng bóng đối thủ sẽ thấy rất cô đơn.
Cuối cùng, chúc cuộc sống của mọi người đều được như ý, gia đình hạnh phúc.
Quan Tâm Tất Loạn.
Cuối tháng 2/2013.
Hẹn gặp lại.